Nhiều người bỡ ngỡ “tôi không biết khấn gì, nghĩ gì nói nấy” thì họ mới chính là những người biết khấn nhất. Còn những ai đang khấn thành bài thành bản một cách thông tuệ thì có khi chính họ mới là người không biết khấn.
Hiện nay, trên các trang mạng đang truyền đi rất nhiều bài văn khấn có sẵn để mọi người học hỏi. Với các bài khấn này, mỗi người chỉ cần thay tên đổi họ, đổi địa chỉ, còn nội dung khấn đều giống nhau, Khấn như vậy không đúng với triết lý của Phật. Khấn phải là tâm truyền tâm tức là nói lên chính tâm nguyện của bản thân, khấn có bài bản tức là bị lệ thuộc, không xuất phát từ tâm nên không được chấp nhận.
Khi đứng trước ban thờ, hãy gửi đến đấng thiêng liêng những suy nghĩ đẹp đẽ nhất.
Đặc biệt văn khấn không nên cầu xin. Người ta thường nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Chúng ta thờ Phật là muốn luôn luôn được có bên mình ngọn đèn trí tuệ của Ngài, cái hương từ bi của Ngài, để được sáng lây, thơm lây, chứ không phải chúng ta có mục đích cầu cạnh Ngài để Ngài ban phước, trừ họa, để Ngài che chở cho chúng ta mua may bán đắt một cách bất lương, hay để chúng ta dựa vào thế lực của Ngài, tha hồ làm những điều bất chính.
Phật giáo la một tư tưởng triết học lớn, Phật chính là đại điện cho tư tưởng triết học và giáo lý mà bản thân đạo Phật muốn đem đến cho người dân. Phật chỉ là nhà tư tưởng, không phải thần thánh. Do đó, nguyên tắc của đạo Phật không phải là cầu xin nên mọi hình thức cầu khấn tiền tài, cầu danh vọng… đều không có tác dụng.
Chúng ta thờ Phật là để tỏ lòng tri ân của chúng ta đối với một Vị đã có ân đức lớn với nhân loại. Chúng ta thờ Phật là để luôn luôn ở trước mặt một gương mẫu sáng suốt trọn lành để khuôn rập tư tưởng, lời nói và hành động của chúng ta được chân, thiện, mỹ như Phật vậy. Nhờ có lòng tri ân mà ta biết yêu quý cuộc sống, yêu quý gia đình, bạn bè, những người xung quanh mình từ đó tham, sân, si, mạn, nghi sẽ giảm và dần biến mất, cuộc sống của ta trở nên tươi đẹp, hạnh phúc hơn.
Chùa là nơi dạy chúng sinh làm điều thiện, xây dựng nhận thức trên nền tảng trí tuệ để nhờ có trí tuệ sẽ diệt trừ được ngu tối, bởi ngu tối là mầm mống của tội ác. Do vậy, người đi lễ là để học làm điều thiện, soi lại trí tuệ của mình và biết bồi đắp thêm để làm được nhiều điều hay điều tốt cho đời, cho người.
Những lời khấn có tính cầu xin hiện nay đều không phải là văn khấn trước đấng linh thiêng.
Khấn chớ nên nói to,ngoài ra, người xưa đã nói “Tâm xuất quỷ thần chi”, chúng ta nghĩ gì là quỷ thần đã biết nên không cần phải nói to, đọc to bài khấn để tránh làm phiền đến người khác. Phật dạy rằng “tâm truyền tâm”, tâm có tĩnh thì tuệ mới sinh nên chỉ cần lặng lẽ khấn.
Vậy bài khấn như thế nào để vừa có phước vừa có tuệ thì trong bài khấn Phật ta nên khấn như sau:
Đầu tiên: Khi bước vào chùa ta phải dâng tâm thành kính của mình đến với các ngài, đi nhẹ, nói khẽ, giữ tâm thanh tịnh.
Tiếp theo: khi đứng trước bàn Phật, hai tay chắp lại hình búp sen để trước ngực, chiếu các ngón tay thẳng lên trời và không được vái lia lịa bởi nếu như thế thì tâm vọng động, sau đó ta khấn thầm trong tâm, bình thường một bài khấn như sau: Con tên...., Hôm nay con có duyên được đến với Phật, con thật tâm tỏ lòng thành kính đối với Đức Phật, cảm ơn các Ngài đã cho con có được cuộc sống vẹn toàn như bây giờ. Cầu mong đức Phật cho con được trí tuệ, gặp được những vị quý nhân (người thầy) để giúp con có được trí tuệ làm được nhiều việc giúp ích cho người và cho đời. Con thành tâm cầu mong ngài cho ba mẹ con, những người xung quanh con có được sức khỏe và trí tuệ để có thể hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại. Con cảm ơn ngài rất nhiều.
Khấn xong người khấn chỉ cần vái lạy 3 lần và không quên cúng dường Chư Phật.